Minh Hôn – Chỉ Đài Loan mới có điều này
Nguồn gốc ra đời của tục minh hôn
Phong tục minh hôn có nguồn gốc từ thời nhà Chu. Theo Chu Lễ, việc “tái chôn cất và cưới xin cho người chết” là bị cấm. Tuy nhiên, phong tục này vẫn được duy trì, với mục đích để “nam có phần, nữ có chốn,” ngay cả khi đã qua đời.
Minh hôn ở Đài Loan có gì khác
Cùng là minh hôn nhưng ở Đài Loan lại có điểm này không giống với Trung Quốc
Ở Đài Loan, hôn nhân âm gọi là “娶神主” (cưới linh vị), khác với hôn nhân âm cổ đại Trung Quốc. Tục lệ này nhằm tìm nơi an nghỉ cho linh hồn những cô gái chưa chồng, không có nghi lễ hợp táng. Những người đàn ông ở dương gian sẽ cưới linh vị của người đã khuất để cô tim được nơi thờ cúng
Trong tín ngưỡng dân gian Đài Loan, linh vị của phụ nữ chưa kết hôn không được đặt trên bàn thờ tổ tiên, do quan niệm rằng con gái là người ngoài. Theo truyền thống, tài sản và mọi bí quyết gia truyền chỉ truyền cho con trai, con gái không có quyền thừa kế. Khi phụ nữ chưa kết hôn qua đời, linh vị của họ thường được đặt trong túi vải đỏ ghi tên và thờ cúng ở góc nhà. Đến khi gặp “duyên” hoặc khi đã đến tuổi thích hợp, họ sẽ được tìm một nơi an nghỉ hoặc gửi vào chùa để tránh trở thành cô hồn không được thờ cúng.
Phong tục cưới vợ ma ở Đài Loan khá phổ biến và được chia làm 2 loại: tự nguyện và bị động. Những người tự nguyện thường tin theo thầy tướng số rằng số mệnh sẽ có nhiều vợ hoặc sẽ kết hôn nhiều lần, nên cưới vợ ma để hóa giải xui xẻo và ổn định gia đình. Một số người cưới để cầu may mắn trong sự nghiệp hoặc để con cái ngoan ngoãn. Một số khác làm vì muốn nhận của hồi môn khi cưới, hoặc vì lý do đạo nghĩa với hôn thê hoặc bạn gái đã qua đời.
Việc cưới vợ ma một cách bị động phổ biến nhất khi một người đàn ông vô tình nhặt được linh vị đặt trong túi đỏ bên đường. Theo tập tục, nếu trong nhà có cô gái chưa kết hôn qua đời, đến tuổi lập gia đình, gia đình sẽ đặt linh vị vào túi đỏ cùng giấy tiền và phong bao, rồi chờ người có “duyên” nhặt. Khi một người đàn ông nhặt lên, gia đình sẽ lập tức vây quanh và ép anh ta làm cưới cô gái đã khuất, nếu không sẽ bị nữ hồn ma quấy phá.
Cũng có trường hợp gọi là “mua 1 tặng 1”. Tức trong gia đình có cô gái chưa chồng qua đời, nếu người chị em của họ đến tuổi kết hôn, họ sẽ cho cả hai chị em—một dương, một âm—cùng gả đi. Điều này nhằm đảm bảo người chị em đã mất tìm được nơi nương tựa, tránh trở thành cô hồn không ai cúng bái. Đây được xem như “mua một tặng một” và là trường hợp hiếm gặp nhưng được kể lại trong dân gian.
Người ta kể rằng một số linh hồn các cô gái trẻ có thể hiện về trong giấc mơ hoặc xuất hiện trước mặt cha mẹ để đòi được gả chồng, hoặc chủ động tìm kiếm chàng trai lý tưởng của mình. Những người đàn ông bị “chọn” thường buộc phải đến cầu thân. Có rất nhiều câu chuyện về những người đi ngang qua miếu “Cô nương” – ngôi miếu được xây lên để thờ cúng linh hồn những cô gái xấu số chưa kịp gả đi đã từ giã cõi trần, hoặc vô tình khen di ảnh của một cô gái đã khuất và bị hồn ma đó bám theo. Những truyền thuyết này thường được thêm thắt, tạo nên những câu chuyện rùng rợn và kỳ bí trong dân gian Đài Loan.
Những người đàn ông cưới vợ ma phần lớn là người đã có vợ, rất hiếm khi người chưa kết hôn lại cưới vợ ma trước. Nếu một chàng trai chưa lập gia đình cưới vợ ma, sau này anh ta vẫn có thể tái hôn với phụ nữ ở dương gian, nhưng vợ ma sẽ được coi là chính thất. Người đã có vợ mà cưới thêm vợ ma thì vợ trần gian phải xưng hô với vợ ma là chị xưng em. Con cái sinh ra cũng phải viết giấy chuyển dòng họ cho vợ ma để duy trì hương hỏa. May mắn là luật pháp không công nhận hôn nhân với vợ ma, tránh phạm tội đa thê.
Lễ minh hôn diễn ra thế nào?
Ở Đài Loan, nghi lễ minh hôn nhìn chung giống với đám cưới người sống nhưng được giản lược và không hoành tráng như bình thường. Chi phí hôn lễ do gia đình cô dâu ma chi trả, thay vì chú rể. Khi cả hai gia đình đồng ý tổ chức minh hôn, nhà gái sẽ đốt hương để báo với linh hồn cô gái và chuẩn bị sính lễ, bao gồm trang phục, trang sức, và vật dụng cá nhân, đặc biệt là hoa tai, để tổ tiên không nhầm cô dâu với người hầu.
Nghi lễ minh hôn thường được tiến hành trong cùng một ngày cho cả lễ đính hôn và kết hôn, chọn giờ vào buổi trưa hoặc chiều để tránh ánh sáng ban mai. Vào ngày tổ chức, người thân của cô dâu ma mang bát hương vào nhà tắm hoặc góc sau nhà, dùng chiếu cỏ che lại và thực hiện nghi thức tượng trưng tắm rửa cho linh hồn. Sau đó, họ đốt quần áo và trang sức theo thứ tự như chuẩn bị cho người sống. Chú rể mang bát hương của cô dâu và gọi tên cô suốt quá trình rước về nhà, chính thức đón linh hồn vào cửa gia tộc.
Sau khi vào phòng tân hôn, quần áo của cô dâu ma được đặt trên giường, và anh em trai đến để thực hiện nghi thức “cậu đến thăm phòng,” giống như phong tục hôn nhân của người sống. Tối đó, chú rể nằm bên cạnh quần áo cô dâu để tượng trưng cho đêm động phòng. Trong ba ngày đầu, vợ trần thế của chú rể phải tránh vào phòng. Sau 3 hoặc 6 ngày, cô dâu ma sẽ được đưa về nhà mẹ đẻ, với vợ trần thế đại diện đeo trang sức và đến nhà gái dự tiệc, đồng thời khi chú rể ngồi ăn tiệc cần chừa 1 chỗ trống cho cô dâu. Sau đó thì cứ ngày rằm, mùng 2 người ở vợ ở dương gian đều cần thay mặt cho cô dâu ma trở về nhà thăm “mẹ đẻ”
Phong tục minh hôn ở Đài Loan, dù mang vẻ huyền bí và kỳ quái, chủ yếu thể hiện quan niệm “nữ phải có nơi nương tựa.” Cha mẹ không muốn con gái qua đời mà không có chốn an nghỉ và không ai thờ cúng, nên dù đã mất, họ vẫn tìm cho con một gia đình trọn vẹn. Ý nghĩa đằng sau là tình yêu thương không đổi của cha mẹ dành cho con cái, cả khi còn sống và đã mất. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại, phong tục này đang dần bị thử thách bởi sự trỗi dậy của nữ quyền khi họ cho rằng: “ Phụ nữ không nhất thiết phải phụ thuộc vào đàn ông. Phụ nữ thời nay ngày càng độc lậo và tự chủ.
Dù vậy đây cũng là một trong những trong tục tập quán đáng lưu giữ (nhưng chỉ trên phương diện lịch sử thôi ^^)